Từ tuổi ngũ tuần, một nửa đàn ông sẽ bị hói đầu. Rụng tóc, hói đầu, tuy không trực tiếp nguy hại cho sức khỏe, nhưng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sống của quý ông. Đặc biệt, nhiều vị hói đầu rất lo âu rằng mình sẽ bị yếu “sinh lý”.
Dưới ánh sáng khoa học, các thắc mắc về hói đầu như: Vì sao nam giới hay bị hói? Hói có là lão hóa, yếu sinh lý hay không? và Làm thế nào để ngăn ngừa chúng ? đã được lý giải.
Đàn ông rất dễ hói đầu !
Hói tóc nam (androgenetic alopecia), là dạng rụng sinh, bệnh lý ở nam giới.
Theo thống kê của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (Control Diseases Center, CDC), hiện có 35 triệu quý ông bị hói đầu. Tỷ lệ mắc bệnh tăng dần theo tuổi tác: 25% ở tuổi 25; 30% ở tuổi 30; 40% ở tuổi 35; 65% ở tuổi 60; 70% ở tuổi 80 và 80% ở tuổi 85.Ở Việt Nam, tuy chưa có thống kê chính thức, nhưng trong nhiều y văn cho biết tình hình rụng tóc cũng tương đương như các nước phương Tây.
Tóc có thể nhiều màu, nhiều kiểu khác nhau, nhưng tất cả đều có chất cấu tạo chính là sừng keratin, gồm nhiều loại protein, chiếm trên 70% thành phần. Keratin được tổng hợp từ nang tóc, là phần “sống” duy nhất, giúp tóc mọc dài ra. Chân nang tóc có các tuyến bã tiết chất nhờn bôi trơn sợi tóc và các cơ dựng tóc. Sợi tóc, “thân tóc”, là phần tóc đã “chết”, không có trao đổi dưỡng chất, vì thế chúng ta không thấy đau khi cắt tóc. Thân tóc gồm 3 lớp: lớp biểu bì, lớp vỏ giữa và lớp tủy ở trong cùng. Lớp biểu bì là phần ngoài cùng của thân tóc, gồm 5-10 lớp keratin trong suốt xếp chồng lên nhau như vảy cá có tác dụng bảo vệ sợi tóc khỏi các hóa chất hoặc ảnh hưởng bên ngoài. Giữa các vảy keratin có một chất kết dính (chất KIT) và được bao phủ bởi một màng chất béo để tóc không thấm nước. Lớp giữa bao gồm nhiều bó sợi nhỏ hợp thành và chứa sắc tố melanin tạo nên màu cho sợi tóc. Đây là lớp quyết định độ chắc khỏe cũng như màu tóc. Lớp tủy chứa các hạt chất béo và không khí; những sợi tóc quá mảnh sẽ không có lớp tủy này.
Nguyên nhân hói đầu ?
Da đầu con người có khoảng 65- 150 ngàn sợi tóc. Mỗi ngày, tóc dài thêm khoảng 0.35mm hay 1cm mỗi tháng và rụng mất 40- 60 sợi. Theo tiêu chuẩn y học, tóc rụng bệnh lý khi lượng rụng trên 100 sợi/ ngày.
Nhiều nguyên nhân được liệt kê như: (1) Do mất cân bằng nội tiết tố, tuổi tác. Thường gây rụng tóc tạm thời gặp khi mang thai, mãn kinh, bệnh lý tuyến giáp, hóc môn T3, T4, DHEA, DHT…; (2) Rối loạn dinh dưỡng, thiếu ăn, thiếu hụt vitamin, (3) Một số thuốc điều trị bệnh, hóa chất nhuộm trang sức tóc (4) Yếu tố di truyền, (5) Nhiều hóa chất, yếu tố gây “áp lực” lên tóc, (6) Stress căng thẳng, lo lắng quá đáng (đói rụng râu, rầu rụng tóc), (7) Một số bệnh lý tóc như: Rụng tóc loang lổ do tự miễn dịch nang tóc, Nhiễm trùng da đầu do nấm, giun lươn.. (8) Tật nhổ tóc (hair-pulling disorder, trichotillomania) và (9) Điều trị phóng xạ trên da đầu.
Có thể ngăn ngừa hói đầu ?
Có thể ngăn ngừa hói đầu bằng cách hạn chế nguyên nhân và yếu tố nguy cơ: (1) Chải, gội đầu đúng cách: Chải ngoài làm tóc sạch, còn kích thích da đầu, thúc đẩy tuần hoàn nuôi dưỡng làm tóc mọc nhanh hơn. Nên chải đầu ngược, không xuôi theo chiều rủ xuống của tóc. Sử dụng dầu gội phù hợp với loại tóc, có dấu hiệu dị ứng phải dừng lại ngay. Không để dầu gội sót lại trên đầu, vì bụi bẩn bám vào sẽ làm tắc lỗ chân long; (2) Không lạm dụng nhuộm, uốn, duỗi tóc quá nhiều lần: vì những tác nhân lý hóa này dễ làm cho tóc dòn, dễ gãy; (3) Chế độ ăn uống cân bằng, khoa học: uống đủ nước, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng các loại vitamin và nguyên tố vi lượng. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, kẽm và L-arginine có tác dụng rất tốt trong việc đem lại cân bằng chất dihydrotestosterone (DHT), khiến cho hormone này không tăng cao gây rụng tóc, hói đầu sớm. Đồng thời L-carnitine, Biotin sẽ giúp giảm bã nhờn, đặc biệt phù hợp cho những người rụng tóc nhiều do da đầu nhờn. Hà thủ ô, Hoàng cầm, … cũng là những dược liệu nên sử dụng để phục hồi mái tóc; (4) Tránh stress: giảm, bỏ phiền muộn, có tâm lý thoải mái, ngủ đủ giấc, tinh thần vui vẻ tạo “tâm thân an lạc”; (5) Điều trị bệnh da liên quan: như viêm da tuyến bã, nhiễm nấm, giun lươn và (6) Dùng dầu gội DHT Blocker.
Quý ông hói đầu có yếu “sinh lý” ?
Cho đến nay, chưa có một nghiên cứu nào khẳng định mối liên quan giữa sinh lý và chứng hói đầu ở đàn ông. Tuy nhiên, cũng có nhiều phỏng đoán, đồn đại về mối liên quan giữa hói đầu với chức năng sinh dục: người Nga cho rằng, đàn ông hói đầu thì nhu cầu mạnh mẽ, nhưng người Đông Nam Á thì lại khẳng định ngược lại. Ở Hoa Kỳ, qua khảo sát trên 900 người nam 40-60 tuổi về độ ham muốn và số lần quan hệ tình dục, kết quả là những người “ham muốn” càng mạnh nguy cơ rụng tóc càng nhiều.
Chính câu hỏi: Tại sao chỉ đàn ông mới bị hói đầu, khiến các nhà nội tiết lao tâm, khổ tứ và họ phát hiện rằng hai chất dehydroepiandrosterone (DHEA) và dihydrotestosterone (DHT) là đầu mối sự việc:
Testosterone là nội tiết tố nam chính được sản sinh tại hai tinh hoàn từ chất cholesterol qua trung gian DHEAT, và phát huy tác dụng khi được biến đổi thành DHT nhờ enzyme 5-alpha-reductase (5-AR).
Trong thời kỳ thai, DHT rất cần thiết cho sự hình thành và phát triển của cơ qua sinh dục ngoài. DHT kích thích phát triển tuyến tiền liệt và dương vật, lông mu, nách ở tuổi dậy thì. DHT gắn với các thụ thể trên nang tóc và làm tóc hói. Nghiên cứu cho thấy, ở các nang lông trên đầu và da của người hói tóc có nồng độ DHT cao hơn ở người bình thường. Hiện nay, một số dược phẩm có finasteride, dutasteride ức chế việc sản sinh DHT đã được sử dụng để điều trị hói đầu.
Các nhà khoa học giải thích rằng, nam giới tuổi trung niên, cơ thể bắt đầu có hiện tượng “kháng” testosterone (testosterone resistance), tức sử dụng testosterone không hiệu quả. Để bù trừ, testosterone trong máu chuyển thành DHT nhiều hơn, và nồng độ DTH tăng cao sẽ làm các nang tóc sẽ co lại, chân tóc yếu, tóc mọc mới chậm hơn, tuyến bã nhờn hoạt động quá mức với hậu quả là tóc dễ rụng và đầu bị hói.
Đôi điều bàn luận
Tóc là yếu tố quan trọng của vẻ đẹp ngoại hình: “Nhất dáng, nhì da, thứ ba mái tóc”, cho nên nam giới đều buồn lòng, lo lắng, không hài lòng khi có cái đầu hói là đương nhiên. Và hói đầu chắc chắn làm giảm chất lượng sống: mất tự tin, ngại tiếp xúc, cảm giác “yếu”.v.v…Do đó, bảo vệ, phòng ngừa, và điều trị hói đầu là rất quan trọng, cần thiết.
Hai điều cần lưu ý (1) một là: Khoa học chứng minh rõ rằng, hói đầu nam có liên hệ với chuyển hóa nội tiết nam testosterone, cụ thể là tình trạng kháng testosterone, khiến chất trung gian DHT tăng lên gây ra. Do đó, việc hói đầu không ảnh hưởng đến ham muốn tình dục libido, khả năng hoạt động “sinh lý” nam; và (2) hai là : Chính việc chăm sóc quá mức “thứ ba mái tóc” này như chải chuốt không đúng cách, gội nhuộm nhiều lần, dùng quá nhiều mỹ phẩm dưỡng tóc lạ có thể gây tóc bị hói tóc nhiều và nặng thêm!